Prisoners of geography

15/01/2023
Yang

NO. 1

Quyền lực của địa lý

“Technology may seem to overcome the distances between us in both mental and physical space, but it is easy to forget that the land where we live, work and raise our children is hugely important"

 

Vốn là một cuốn sách dành cho những người nghiên cứu chính trị hay quan hệ quốc tế - hai lĩnh vực tưởng chừng khô khan và khó hiểu, thế nhưng trong thời gian gần đây, Prisoners of Geography của Tim Marshall đã thu hút và chinh phục được nhiều đối tượng bạn đọc trên khắp thế giới. Cuốn sách đem đến những sự thật thú vị về sự gắn bó giữa địa lý và chính trị, cho chúng ta thấy hai thành phần này không thể tách rời mà luôn tác động lẫn nhau trong quá trình hình thành, phát triển của mỗi quốc gia. Với vai trò là một nhà báo, nhà văn chuyên về các vấn đề ngoại giao, Tim Marshall đã đúc kết những kiến thức và trải nghiệm thực tế tinh túy nhất của ông vào Prisoners of Geography, đưa tác phẩm vào danh sách bestseller của New York Times và Sunday Times.

 

Tim đã đưa ra quan điểm rằng, sự hình thành và phát triển của mỗi một quốc gia đều bị ràng buộc trong khuôn khổ địa lý. Nếu việc hình thành trên một dải đất màu mỡ, có nhiều kiểu địa hình và được bao bọc xung quanh bởi hai đại dương đã mang đến sự phát triển phồn thịnh cho Mỹ thì ngược lại, địa lý khắc nghiệt với sa mạc, hoang mạc cùng rất ít các cảng biển nước sâu tự nhiên đã đẩy châu Phi đến nghèo đói, lạc hậu so với thế giới. Hay qua câu chuyện của Nhật Bản, Tim khẳng định rằng dù một quốc gia có nền kinh tế phát triển rực rỡ đến đâu, họ cũng không thể tránh khỏi các tác động tiêu cực của yếu tố địa lý như đất đai, nguồn nước, khí hậu hay thiên tai. Điển hình như sự kiện sóng thần tại Nhật năm 2011 đã tàn phá quốc gia này, tàn phá thành tựu hàng chục năm phát triển đất nước, khiến Nhật Bản phải chi một lượng ngân sách khổng lồ cho hoạt động khắc phục hậu quả và xây dựng lại mọi thứ từ đầu.

 

@bryonysbooks_

 

NO. 2

Át chủ bài của mối quan hệ song phương

"India and Pakistan can agree on one thing: neither wants the other one around"

Không những thế, địa lý còn thể hiện sức mạnh khó lường của mình bằng việc gây ảnh hưởng đáng kể đến mối quan hệ giữa các quốc gia. Tim đã kể câu chuyện về tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan vì vấn đề biên giới - lãnh thổ, xung đột giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á vì Biển Đông hay mối quan hệ phức tạp giữa Hoa Kỳ và các quốc gia Mỹ Latinh xuất phát từ hoạt động mua bán sáp nhập đất đai từ nhiều thế kỷ trước. Những tranh chấp không thể giải quyết do địa lý từ các thế hệ lãnh đạo trước tiếp tục được "đẩy lại" cho những người đứng đầu đất nước của thế hệ sau, khiến cho những vấn đề trở nên trầm trọng hơn và nảy sinh thêm cả những vấn đề mới tồi tệ hơn như chiến tranh thương mại, vi phạm nhân quyền…

 

@geeky.jack

 

NO. 3

Tương lai của thế giới

"All great nations spend peacetime preparing for the day war breaks out"

Tim không quên đưa ra dự đoán cho tương lai của thế giới dựa trên tìm hiểu của ông về sự tác động của địa chính trị. Theo đó, địa lý vẫn sẽ luôn là một loại nhà tù vô hình, quyết định việc một quốc gia sẽ trở nên như thế nào, một nhà tù mà các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải vật lộn để thoát ra. Các quốc gia cũng có thể sẽ có nhiều xung đột hơn, như Ấn Độ - Trung Quốc hay Triều Tiên - Hàn Quốc, và địa lý sẽ là yếu tố quy định bản chất của cuộc chiến: cuộc chiến trên biển, cuộc chiến nơi lực lượng quân sự phải vượt qua được núi non hay sa mạc khổng lồ. Không chỉ vậy, những thách thức của địa lý mới như biến đổi khí hậu đặt ra vô vàn thách thức mới cho mỗi quốc gia như sự di cư ồ ạt, hàng loạt người dân mất mạng vì lũ lụt chưa từng có hoặc tranh chấp nguồn nước. Điều đó đòi hỏi các quốc gia luôn phải trong trạng thái sẵn sàng và cảnh giác: chuẩn bị đối phó với các tác động tiêu cực của địa lý, sẵn sàng tiềm lực quân sự để bảo vệ tài nguyên và lãnh thổ.

 

@tony_says_ynot

 

NO. 4

Tương lai của thế giới

@readwithshashank

 

** Bài viết thuộc bản quyền của The Bookshelf Hanoi, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức **