-
-
-
Total:
-
Bạn đã phân biệt được các loại giấy và bìa được sử dụng trong in sách chưa?
17/11/2021
Rin
Thi thoảng trong lúc đọc sách Seo hay tự hỏi không biết chất giấy mình đang đọc là gì mà vừa nhẹ vừa không mỏi mắt, xong lại có những quyển sách đọc được 1, 2 trang là đã đỏ cả mắt lên. Dạo gần đây cũng có mấy bạn khách quen hỏi Seo xem các chất giấy với các kiểu bìa sách khác nhau như thế nào mà Seo cũng không biết trả lời sao.
Vậy nên, để thỏa mãn sự tò mò của đôi bên, Seo đã tự mình nghiên cứu và đúc kết lại thành bài viết ngắn này để giúp các bạn hiểu rõ hơn về quyển sách mình đang đọc.
1. Về giấy in sách
Có 2 loại giấy chính là giấy tráng phủ - coated paper và giấy không tráng phủ - uncoated paper. Mỗi loại giấy này lại được chia thành các nhánh nhỏ hơn như sau:
Giấy tráng phủ
Giấy tráng phủ là những loại giấy có bề mặt sáng bóng, giúp cho hình in được đậm màu sắc và thường được sử dụng để in các loại sách ảnh, truyện tranh, in màu,...Các loại giấy nằm trong nhóm này có thể kể đến như Couche, Bristol, Duplex và Crystal.
Trong số đó thì giấy Couche thường xuyên được sử dụng để in sách nhất vì định lượng nhẹ hơn, chỉ từ 80g/m2 đến 210g/m2 mà vẫn giữa được hình ảnh rõ màu, sáng, bắt mắt. Các loại giấy còn lại có định lượng khá lớn, từ 230g/m2 đến 350g/m2 nên sẽ khiến sách nặng hơn và cũng tốn chi phí hơn, vì vậy thường được sử dụng để in bìa sách hoặc lịch, thiệp mời,...
Giấy không tráng phủ
Giấy không tráng phủ được sử dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực in ấn sách vì chúng có bề mặt nhám, không chói, có thể xử lý để khiến màu ngả vàng hơn, tránh việc người đọc bị chói mắt. Các loại giấy nằm trong nhóm này có thể kể đến là Fort và Kraft.
Giấy Fort (hay Ford) là loại giấy dễ bắt gặp nhất vì tính chất mịn, không chói, thích hợp trong việc viết và đọc. Giấy Ford cũng có định lượng nhẹ nhất, chỉ khoảng 60g/m2 đến 90g/m2 nên sử dụng để in sách cũng rất hợp lý.
Việc giấy bị chói khiến việc đọc sách khó khăn là do mức độ được tẩy trắng của giấy. Giấy có thể được tẩy trắng nhiều lần để đạt được độ trắng mong muốn, nhưng nhìn chung hiện nay màu của giấy có 3 mức chính là balanced white, off white và blue white.
Giấy in sách tranh ảnh sẽ thường được tẩy trắng cho tới mức blue white để màu sắc có thể được hiển thị tốt nhất và trang giấy sẽ trắng sáng nhất. Tuy nhiên điều này có thể làm người đọc sách lâu bị mỏi mắt vậy nên loại giấy này ít được sử dụng trong in ấn phẩm dài, nhiều chữ.
Off white là độ trắng mà mọi người thường yêu thích vì nó không khiến mắt người đọc bị mỏi sau một thời gian dài đọc sách. Tuy nhiên giấy có màu off white theo thời gian dễ bị ngả vàng và xỉn đi nếu sách không được bảo quản đúng cách.
2. Về bìa sách
Có hai loại bìa sách phổ biến nhất hiện nay là paperback - bìa giấy và hardcover - bìa cứng. Bìa giấy sẽ thường sử dụng loại giấy Bristol, Duplex, ... như Seo đã liệt kê. Tuy nhiên với bìa cứng thì lại có nhiều loại khác nhau hơn.
Bọc bảo vệ sách bằng giấy - Printed paper case
Bọc bảo vệ sách là một tờ giấy mỏng được in và phủ một lớp nilon, sau đó được bọc dán vào bìa cứng để chống nước và nắng cho sách. Đa số sách bìa cứng hiện nay chỉ được sử dụng bọc bảo vệ sách bằng giấy.
Bọc chống bụi - Dusk jacker
Bọc chống bụi có cấu tạo như bọc bảo vệ sách, tuy nhiên chúng không được dán vào bìa cứng, mà đóng vai trò như chiếc "áo khoác" được mặc vào để bảo vệ bìa sách. Bọc chống bụi có thể được tháo ra hoặc mặc lại rất dễ dàng, tuy nhiên cũng vì vậy mà chúng rất dễ thất lạc.
Bìa bọc vải/bọc da - Clothbound
Đây là loại bìa mà Seo thích nhất vì độ sang - xịn - mịn của nó. Thay vì được bọc bỏi một lớp giấy mỏng thì những quyển sách bìa cứng được bọc vải hoặc bọc da trông vừa đẹp lại vừa bền. Thông thường thì sách clothbound sẽ có thiết kế bìa riêng để in nổi trên vải, khiến chúng đặc biệt hơn hẳn những quyển sách khác.
Bìa trượt - Slipcase
Ngoài các cách bảo vệ sách trên thì bìa trượt - slipcase là một phương pháp ngày càng phổ biến, đặt biệt là với các sách xuất bản theo bộ.
Khi sử dụng bìa trượt thì sách được bảo vệ tuyệt đối,vì vậy hiện nay nhiều nơi đã bán bìa trượt rời cho những quyển sách không có bìa trượt từ đầu.
Trên đây là tóm tắt tất cả những gì các bạn cần biết về giấy in và bìa sách. Mong rằng bài viết này của Seo sẽ giúp giải đáp được thắc mắc của các bạn về những quyển sách mình đang đọc.
* Bài viết do The Bookshelf Team tổng hợp từ nhiều nguồn, nếu có góp ý gì, mọi người comment cho Seo hay nha. *