One Flew Over The Cuckoo’s Nest

02/12/2023
Yang

NO. 1

One Flew Over The Cuckoo’s Nest

Nguồn: @bookscandlescats

 

NO. 2

Một bản hùng ca bi tráng về tự do

“High high in the hills , high in a pine tree bed.

She's tracing the wind with that old hand, counting the clouds with that old chant,

Three geese in a flock

one flew east

one flew west

one flew over the cuckoo's nest”

 

“One Flew Over The Cuckoo’s Nest” là quyển tiểu thuyết của nhà văn Ken Kesey được xuất bản vào năm 1962 đã làm dậy sóng văn đàn Mỹ. Câu chuyện được đặt trong một bối cảnh đặc biệt là một trại tâm thần với những bệnh nhân tự nguyện. Những bệnh nhân này là Thủ lĩnh Bromden ‑ người da đỏ cao lớn, giả câm giả điếc để được sống như những người bình thường trong một nơi bất thường. Đó là Billy Bibbete bé tí tẹo với tật nói lắp bẩm sinh hay là Đại tá già Matterson suốt ngày lẩm bẩm “Mexico… là quả bồ đào. Quả dẻ. Quả sồi.”

 

Lấy mình làm điểm bắt đầu và qua những quan sát, những điều mình nghe được, câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất từ nhân vật Thủ lĩnh Bromden đã tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ cho độc giả. Là một người da đỏ sinh ra ở vực sông Columbia với tình yêu to lớn dành cho quê hương và gia đình. Nhưng kể từ khi trải qua những biến động trong bộ lạc khiến anh mất đi gia đình, làng mạc vì chính phủ ‑ những “kẻ bất khả chiến bại” đã cướp đi tất cả. Chúng sẵn sàng vì những nguồn tài nguyên ẩn sâu dưới lòng đất mà đoạt đi cả quyền làm người, quyền được quyết định cuộc đời của người khác. Để rồi anh phải trốn vào một nơi tập hợp những con người bị xã hội ruồng bỏ như trại tâm thần, anh thu mình lại một góc và sống trong vỏ bọc như một người câm điếc mà không ai phát hiện. Nhưng cũng chính nhờ vỏ bọc ấy, anh đã nghe được nhiều bí mật trong cuộc họp giữa mụ Y tá trưởng cùng các bác sĩ trong khoa đã một phần nào đó giúp anh đứng lên thực hiện “cuộc cách mạng” cho chính mình.

 

Nguồn: @stuffemilyreads

 

NO. 3

Cuộc giải phóng

Qua những luồng suy nghĩ, những câu nói và cách lập luận của mỗi nhân vật trong câu chuyện có thể khiến người đọc băn khoăn và đặt ra câu hỏi cho bản thân rằng: “Có thật là những bệnh nhân này có vấn đề về tâm thần không vậy?”. Bởi vì đâu đó ta vẫn cảm nhận được ở họ có tình yêu thương, sự sẻ chia đối với người khác và hơn hết, họ vẫn còn có ý thức về những kí ức và câu chuyện của họ trong quá khứ. Để rồi, sau khi đọc quyển sách này, chúng ta hiểu được rằng trong số họ chẳng ai là kẻ bị tâm thần cả, chỉ vì từ khi sinh ra, họ có những biểu hiện khác thường, khi thì chậm nói một tí hay tập trung quá vào việc gì đó thì họ bị gán mác là tâm thần, tự kỷ hay trầm cảm. Theo thời gian, họ nghĩ mình là như thế thật, mình không phải là một người bình thường, mình không thể hòa nhập với những người xung quanh và trại tâm thần là nơi thích hợp dành cho mình.

 

Cuộc sống hằng ngày của những bệnh nhân được “vận hành” trơn tru như một nhà máy thực thụ dưới sự điều khiển của Y tá trưởng Ratched và đám hộ lý luôn sẵn sàng nghe theo bất kỳ mệnh lệnh nào của bà. Nhưng tất cả những trật tự ấy đã bị đảo lộn và bị lật đổ kể từ khi McMurphy xuất hiện. Cùng với sự xuất hiện của mình, McMurphy đã tạo nên một cuộc giải phóng cho những bệnh nhân trong trại. Nếu như trước đây, các bệnh nhân đều sống như những cỗ máy dưới sự điều khiển của Y tá trưởng Ratched thì giờ đây họ đã được quay lại với chính mình, trở về với “thế giới bên ngoài” và được khơi dậy lại khát vọng tự do tiềm tàng bên trong họ. Tuy là một kẻ yếu như thường lệ, đều sẽ thua cuộc trước những cuộc chiến nhưng những gì hắn mang lại cho những bệnh nhân mới chính là một chiến thắng thật sự. McMurphy đã chiến đấu đến những giây phút cuối cùng để biết được rằng những bệnh nhân trong trại đã thay đổi, “Họ không còn là thỏ nữa rồi. Họ đang là những con người.” Mc Murphy đã giúp họ vượt lên chính mình, tìm lại khát vọng sống và cùng nhau tạo nên một khúc hát bi tráng về tự do.

 

Nguồn: @thewrittenwordandtea

 

NO. 4

Những trang cuối cùng

Time Magazine đã viết: “Nhà văn Kesey đã lấy cái nhìn của người Trong trại về thế giới của người Bên ngoài để làm lật nhào những giả định dễ chịu của độc giả về sự bình thường, đồng thời biến cuốn sách thành một tiếng gầm phản kháng chống lại các quy tắc xã hội phàm tục mà kẻ cai trị vô hình đã áp đặt lên.” Quả thật đúng như thế, được viết nên từ trang văn đầy sảng khoái nhưng cũng không kém phần sâu lắng, “One Flew Over The Cuckoo’s Nest” đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng không thể nào quên. Để rồi để lại bên trong mỗi người là một bài học về sự tự do và đôi khi sống hay không, không quan trọng bằng việc chúng ta sẽ sống như thế nào trong cuộc đời này.

 

Nguồn: @theoldpostman_

 

NO. 5

Trích dẫn trong sách

 

Nguồn: @literarybites

 

**Bài viết thuộc bản quyền của The Bookshelf Hanoi, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.**