Flow - Thuyết dòng chảy

07/12/2021
Rin

Một trong những mặt trái của Cách mạng công nghiệp ấy là nó khiến cho con người trở nên bận rộn và liên tục phải chạy đua kiếm tìm những vật chất bên ngoài để dần lạc mất cái vui thích thuở ban đầu. Flow, “trạng thái dòng chảy” được lần đầu giới thiệu từ những năm 70, với mong muốn có thể quảng bá rộng rãi về nghiên cứu giúp tối ưu hoá trải nghiệm hạnh phúc (optimal experience of happiness) của nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi. Flow, dòng chảy là trạng thái tâm thức có được khi chúng ta toàn tâm toàn ý vào duy nhất một việc và chìm đắm trong đó. Khi đi vào trạng thái này, ta sẽ tạm quên khái niệm về thân và tâm, thời gian và không gian, hoàn toàn tập trung vào công việc ta đang làm. Theo Csikszentmihalyi, trạng thái này có thể đưa con người vượt qua được rào cản thể chất để có thể bắt kịp tâm trí.

Cha đẻ của thuyết dòng chảy tin rằng để có thể giải thoát bản thân khỏi cảm giác bó buộc với xã hội (áp lực công việc hay nỗi lo người khác sẽ nghĩ gì), tìm thấy cảm giác vui thích trong những công việc mình làm; không phải vì phần thưởng mà ta nhận được (lương, thưởng, … ) mà vì ta tận hưởng công việc bất kể khó khăn.

“Nobody can really make you happy, just as in many ways, nobody can make you unhappy, either.”

1. Làm chủ tâm trí, làm chủ bản thân

Nếu nói theo Nhiệt động lực học II (2nd law of Thermodynamics), bản chất sâu thẳm của vũ trụ là đổ vỡ thì con người, động vật và muôn loài cũng phải hướng tới những vụn vỡ, nơi mà hạnh phúc trở nên xa xỉ? Tuy nhiên, tâm lý học lại chứng minh điều ngược lại. Csikszentmihalyi chỉ ra rằng niềm vui chúng ta có được trong cuộc sống phần lớn dựa vào cách ta suy nghĩ và nhìn nhận các trải nghiệm. Khi ta có cảm nhận rằng bản thân có thể làm chủ tâm lý của chính mình, ta sẽ tìm thấy sự hiện diện của bản thân trong bất cứ điều gì ta làm.

“Some people enjoy themselves wherever they are, while others stay bored even when confronted with the most dazzling prospects.”

Để có thể đạt được trạng thái làm chủ tâm trí, tác giả đặt sự kết nối giữa thân và tâm làm tiền đề - ông cho rằng để bản thân có đủ tiềm năng rơi vào trạng thái tâm lý vững chãi thì cơ thể ta cũng cần ở trong phạm trù thể trạng phù hợp - tức là ngủ nghỉ điều độ là một cách giúp chúng ta vượt qua những mối lo lắng về bộn bề trong cuộc sống, từ đó có thể dồn thời gian và công sức vào những việc quan trọng hơn.

 

2. Enjoyment và pleasure

Sự thích thú/ hoan lạc (pleasure) là cảm giác thoải mái có được khi thả mình vào bồn nước nóng, được ăn những món ăn ngon và được xem một bộ phim thật hay sau một ngày dài làm việc. Pleasure cho ta sự thoải mái, hay nói cách khác đây là chốn trú ngụ, là khu vực an toàn của bất kì một ai – nơi mà ở đó mọi thứ ta làm đều thụ động và không đòi hỏi sự có mặt của tâm trí.

Trong khi đó, sự tận hưởng (enjoyment) giúp chúng ta tìm thấy niềm vui trong bất kể công việc gì ta làm, thúc đẩy ta kiếm tìm những mục tiêu lớn hơn. Có lẽ điểm khác biệt nhất nằm ở chỗ, trong khi pleasure để lại cho một khoảng trống sau khi ta dành quá nhiều thời gian để thư giãn, enjoyment lại đem đến sự thăng hoa đích thực bằng cách thúc đẩy sự phát triển của bản thân.

3. Thử thách là gia vị của cuộc sống

Vùng đất của người Shuswap bản địa từng được cho là mảnh đất màu mỡ và hưng thịnh. Lý do đằng sau sự hưng thịnh và cấp tiến đó là cứ mỗi khi cuộc sống của họ trở nên dễ đoán và những thử thách dần biến mất, họ sẽ di dời cả làng tới những vùng nơi họ sẽ tìm thấy những khó khăn mới.

“... the elder said, at times the world became too predictable and the challenge began to go out of life. Without challenge, life had no meaning.”

Cứ mỗi 25 tới 30 năm họ sẽ di chuyển một lần vì họ tin rằng sự có mặt của thử thách mới giúp họ tiến hoá và học hỏi tốt hơn.

 

4. Cạm bẫy của “free time”

Dưới môi trường làm việc truyền thống, mỗi cá nhân đều được phân chia công việc và phần lớn sẽ có sự dẫn dắt của những người có thẩm quyền cao hơn. Dưới môi trường được đốc thúc, họ sẽ có nhiều cơ hội để tập trung hơn. Trái lại, khi ta phải tự thân vận động, ngày nay còn đúng với nghề freelance, thì việc được dẫn dắt và đốc thúc bỗng dưng biến mất mà thay vào đó là tính kỷ luật bản thân.

Đối với Csikszentmihalyi, việc làm chủ bản thân vừa dễ vừa khó: dễ bởi quyền quyết định bỗng hoàn toàn nằm gọn trong tay ta, nhưng lại khó vì để công việc trở nên có ý nghĩa và có thể cho ra thu nhập sẽ đòi hỏi tính kỷ luật cao. Nhưng cũng là Csikszentmihalyi đã tuyên bố:

“Nếu bạn chiến thắng trên trận chiến với chính bản thân, việc chinh phục Thế Giới sẽ trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.” (If you win these battle enough, that battle against yourself, at least for a moment, it becomes easier to win the battles in the world.)

 

5. Lời kết

Trạng thái dòng chảy không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà thực tế, bất cứ ai trong chúng ta cũng đã chiêm qua trạng thái này: khi ta chìm đắm vào thế giới trong một cuốn sách hay, khi ta tập trung vào từng đường đi nước bước của những con cờ trên bàn cờ, khi ta tập trung vào ván cầu lông mà quên đi sự hò reo của những người xung quanh, khi ta giải một bài toán khó… Nhờ trạng thái dòng chảy, chúng ta có thể kiểm soát và vượt lên những cảm giác khó chịu, căng thẳng, áp lực, sợ hãi và sau cùng chạm được tới hạnh phúc chân thực nhất. Mặc dù ra mắt từ nửa thế kỉ trước nhưng giá trị mà cuốn sách Flow, cũng như công trình nghiên cứu về thuyết dòng chảy của Mihaly Csikszentmihalyi vẫn có giá trị trường tồn tới tận ngày nay.

 

Cuốn sách phù hợp với những đối tượng nào?

Cảm thấy mất động lực trong công việc và học tập

Muốn tìm hiểu về tâm lý học tích cực (positive psychology)

Muốn cải thiện sự tập trung

Tìm chánh niệm

Sách đã có phiên bản tiếng việt tên là Dòng Chảy, do Firstnews phát hành. Ngoài ra, nếu muốn đọc ở ngôn ngữ gốc, mọi người có thể mua tại The Bookshelf Hanoi nhé.