The Elephant Vanishes

30/12/2021
Rin

Haruki Murakami đã quen thuộc với cộng đồng những người yêu thích văn học Nhật tới nỗi có thể chúng ta từng nghe thấy những cái tên như Rừng Nauy, Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, Người tình Sputnik; hay bộ sưu tập áo phông ra mắt trong năm nay của ông với Uniqlo; và cả những bộ phim chuyển thể.
Cùng Seo đi tìm hiểu thử một trong những tập truyện ngắn đầu tiên của ông xem sao nhé!


NO. 1

Những câu chuyện không có hồi kết

“Like a Chinese box, the world of the novel contained smaller worlds, and inside those were yet smaller worlds. Together, these worlds made up a single universe, and the universe waited there in the book to be discovered by the reader.”

The Elephant Vanishes là cuốn sách bao gồm 17 truyện ngắn. Nhưng ai đã từng quen thuộc với các tác phẩm của Haruki trước đó, hẳn sẽ biết rằng truyện của ông không đi theo mạch lối thông thường. Ở đây chúng ta bắt gặp những câu chuyện có nội dung khá kỳ lạ, như là việc một cặp đôi tấn công vào tiệm Mcdonald nửa đêm chỉ để lấy 30 chiếc hamburger; là một người phụ nữ liên tiếp 17 ngày không chợp mắt và càng thức thì cô càng tỉnh; là người đàn ông cho người tí hon mượn thân thể của mình để nhảy với cô gái mà anh ta thích. Có những câu chuyện chỉ vỏn vẹn trong 6 trang giấy, cũng có những câu chuyện dài tới vài chục trang. Dù có độ dài bao nhiêu, thì truyện ngắn của ông đều mang tính biểu tượng rất cao và không phải lúc nào cũng là ý trên mặt chữ. Cũng bởi vậy mà những cái kết mở dường như là “đặc sản” mỗi khi độc giả nhắc tới tên ông. Phải chăng điều đó làm những câu chuyện của ông trở nên thú vị?

@snowwhitehatesapples

 

NO. 2

Những bức tranh mang tính biểu tượng
Các tác phẩm của Haruki luôn ẩn giấu một điều gì đó, như thể ta càng đào sâu vào tầng ý nghĩa, nó càng hiện dần ra, nhưng ta cần đào nhiều hơn một lần. Người đọc phải bỏ ra nhiều hơn 10 phút để đọc câu chuyện dài 6 trang giấy. Bạn đọc sẽ bắt gặp các biểu tượng ẩn bên trong mỗi nhân vật, sự việc. Như sự cám dỗ trong truyện ngắn “The dancing dwarf” núp dưới hình dáng của người tí hon và điệu khiêu vũ tượng trưng cho sự tự do; Nhà máy sản xuất voi biểu trưng cho ham muốn kiểm soát tự nhiên của con người; Cuốn sách Anna Karenina trong câu chuyện “Sleep” đại diện cho ao ước thoát khỏi những quy tắc và chuẩn mực xã hội của người phụ nữ 17 ngày không ngủ. Những thứ mang tính trừu tượng lớn lao được Murakami gói gọn trong hình hài của các vật thể hữu hình, và đưa vào câu chuyện tự nhiên đến nỗi nhiều khi người đọc sẽ vô tình lỡ bỏ qua mất nó nếu không tập trung.

@anishathampy

 

NO. 3

Một đại diện cho xã hội và văn hoá Nhật Bản
Xuất bản vào năm 1993, The Elephant Vanishes đến tay độc giả như gửi gắm một bức tranh toàn cảnh về xã hội Nhật Bản thời bấy giờ. Những hình ảnh về người đàn ông huýt sáo khúc dạo đầu của Rossini’s La Gazza Ladra trong đài FM và nấu spaghetti; sử dụng từ “kit‑chin” thay cho từ nhà bếp trong tiếng Nhật đã choán lấy và xây dựng lên hình ảnh về một Nhật Bản khi đó, nơi mà các giá trị văn hóa bị bỏ qua và xem nhẹ, và nhiều người đang bận bịu tiếp thu một cách vô tình ảnh hưởng từ Tây phương.
The Elephant Vanishes là thực tại đan xen với tưởng tượng, là chủ nghĩa siêu thực đi cùng chủ nghĩa hậu hiện đại. Những mẩu chuyện có lúc hài hước, kể những câu chuyện từ đáy lòng của nhân vật, lại có lúc tường thuật về sự việc mà khi nghe độc giả có cảm giác như đứng giữa lằn ranh thực và mơ, không biết nên đi theo chiều nào.

“The power to concentrate was the most important thing. Living without this power would be like opening one’s eyes without seeing anything.”

@geekybooknerd

 

NO. 4

Cuối cùng thì
Với góc nhìn độc đáo, luôn đem lại cảm giác mới mẻ trong nội dung cùng giọng văn đặc biệt đậm chất Murakami không thể nào nhầm lẫn, ông đã xây dựng lên một thế giới với những con người bình thản kể lại câu chuyện bất thường một cách bình thản. Nếu đang tìm một điều gì đó mới mẻ, hay chỉ đơn giản là khi chuẩn bị đi ngủ, bạn vẫn muốn bật dậy nghĩ xem tại sao câu chuyện lại diễn biến như thế, thì hãy chọn The Elephant Vanishes nhé!

@mindcitric

 

NO. 5

Ngoài lề
Câu chuyện ngắn đầu tiên trong The Elephant Vanishes mang tên “The Wind‑up bird and the Tuesday’s woman” được phát triển tiếp thành truyện dài “The wind‑up bird chronicle” và xuất bản ở Việt Nam dưới cái tên “Biên niên ký chim vặn dây cót”. Truyện ngắn trong cuốn sách này đồng thời là phần đầu của của cuốn Biên niên ký, mở đầu cho chuỗi phiêu lưu đầy bí ẩn của nhân vật chính cũng như câu chuyện của những người xung quanh anh về tình yêu, lòng dũng cảm và cả những tội ác chiến tranh không thể nào quên.
Bên cạnh đó, “Barn Burning” cũng là một truyện ngắn được chuyển thể thành phim bởi đạo diễn Lee Chang‑dong, với diễn viên chính do Yoo Ah‑in, Steven Yeun và Jeon Jong‑seo thủ vai công chiếu tại liên hoan phim Cannes 2018 và tranh cử giải Cành cọ vàng.

** Bài viết thuộc bản quyền của The Bookshelf Hanoi, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức. **