Văn học Phản địa đàng

02/07/2022
Yang

The Handmaid's Tale của Margaret Atwood; 1984 viết bởi George Orwell, Brave New World tới từ Aldous Huxley hay The Hunger Games do Suzanne Collins sáng tác. Các cuốn sách có độ dài, bối cảnh, nhân vật đều khác nhau, nhưng điểm chung lớn nhất nằm ở chỗ những tác phẩm này đều viết về một đề tài chung mang tên: Phản địa đàng.

Cùng Seo đi tìm hiểu một chút về chủ đề hay ho này nhé!

 

nguồn: Veronica Sicoe

 

Một mô tả ngắn về nguồn gốc của “Dystopia”

Phản địa đàng - Dystopia, bắt nguồn từ “Utopia” - Địa đàng trần gian. Phiên âm tiếng Anh của từ "οὐ τόπος" (Utopia) trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là "no place" (không ở nơi đâu). Trước khi từ “Utopia” xuất hiện, đã có một số tác phẩm nói tới vấn đề này, mà tiêu biểu là Republic của nhà triết học lỗi lạc Plato. Thế nhưng phải tới năm 1516, cụm từ này mới được xuất hiện lần đầu tiên “một cách chính thức”, khi cuốn sách mang tên Utopia được ấn hành tại Bỉ của tác giả Thomas More dưới sự biên tập của nhà học giả cổ điển Erasmus. Dystopia thay tiền tố οὐ- “no” bằng tiền tố δυσ- "bad", tạo thành từ mang nghĩa “bad place”.

Danh từ ‘Dystopia’ đã được phát hiện rằng nó có khởi nguồn nguồn từ năm 1747, nơi nó được đánh vần là ‘Dustopia’ nhưng được sử dụng trái ngược rõ ràng với ‘Utopia’. Điều đó chứng tỏ rằng danh từ này không phải một danh từ mới, nó “cổ” hơn so với những gì một số người thường nghĩ.

 

Về khái niệm Phản địa đàng và Phản địa đàng trong văn học

Dystopia được miêu tả như một thế giới tưởng tượng trong tương lai, một cơn biến động của sự suy tàn mà ở đó, các nhân vật trong câu chuyện đều phải chiến đấu với sự tàn phá đến từ thiên nhiên, sự kiểm soát công nghệ và những áp đặt từ phía chính phủ.

Nếu Utopia hướng người đọc tới một xã hội đáng mơ ước, thì trong văn học, Dystopia là từ dùng để chỉ một thế giới ác mộng, một thế giới mà đa phần các sự kiện đi theo hướng lệch lạc, tiêu cực hoặc có phần đáng sợ.

 

Nguồn: Paste Magazine

 

Văn học phản địa đàng ra đời và tạo ra những ảnh hưởng cùng thành quả xuất sắc trong thế kỷ 20. The Hunger Games với những kỷ lục phòng vé, 1984 và Animal Farm của George Orwell vẫn còn sức hút tới tận thời điểm hiện tại, thậm chí có thể một số bạn từng đọc cuốn 451 Fahrenheit. Các tác giả thành công dựng lên hình ảnh về mặt trái của tấm huy chương utopia lộng lẫy với những hình dung về một xã hội tốt đẹp. Giả tưởng ư? Đúng vậy, nhưng không hoàn toàn là vậy. Lấy cốt lõi từ các vấn đề xã hội như biến động chính trị, các vấn đề khí hậu hay sự kiểm soát công nghệ, Dystopia không chỉ dừng lại ở việc “tưởng tượng”. Các cuốn tiểu thuyết về chủ đề Phản địa đàng luôn ẩn chứa những lời cảnh báo, tiên tri dành cho tương lai - một tương lai không mấy tốt đẹp.

 

Tại sao lại là tiểu thuyết?

Dòng văn học Phản địa đàng thường đề cập tới những mặt khá u tối trong cách mà thế giới được giả định vận hành. Tiểu thuyết chính là nơi các tác giả có thể kể câu chuyện được vẽ trong đầu mình một cách tự do nhất, mà vẫn có thể đem lại hiệu quả bằng cách dùng con chữ trong câu chuyện tác động vào người đọc như mong muốn. Hơn thế nữa, tiểu thuyết thường mang một phần phản ánh các sự kiện, hoặc ảnh hưởng mang tính đương thời tới từ tác giả, xã hội. Cho nên, mặc dù Phản địa đàng có mô tả về một thế giới hậu tận thế, hay một nơi mà con người bị coi như những cỗ máy sinh sản, chém giết, thì ngay trong chính tác phẩm tưởng chừng như đang nói về tương lai xa vời ấy, vẫn ẩn chứa dấu vết mà hiện tại để lại.

 

Vì sao 1984 và The Handmaid's Tale lại được xếp vào hàng tiêu biểu của văn học Phản địa đàng?

Tiểu thuyết 1984 của George Orwell được phát hành năm 1949, theo chân nhân vật Winston Smith tiến vào thế giới Phản địa đàng. Ở đây, lãnh thổ trên thế giới được phân chia và cai trị bởi 3 siêu cường có sức mạnh và thực lực ngang bằng. Mỗi siêu cường đều có một học thuyết trọng tâm khác, nhưng về cơ bản, thì bản chất là giống nhau. Nó hướng người ta tới sự sùng bái lãnh tụ, xóa bỏ tính cá nhân, dùng bạo lực để đàn áp và tuân phục chính quyền. Oceania - quốc gia lấy bối cảnh trong 1984, đứng đầu là Big Brother - biểu tượng tối cao của Đảng, được nhắc đến như một nơi được bao trùm bởi chế độc độc tài, mọi người dân đều phải cảnh giác và bị theo dõi, tới mức những ai có tư duy độc lập và đi ngược lại so với đường lối đều bị kết tội.

 

nguồn: Youtube

 

George Orwell xây dựng lên một xã hội dối trá và đầy quyền lực, tự cho mình quyền kiểm soát lịch sử, sẵn sàng xuyên tạc để đạt được mục đích về chính trị. Không những vậy, điều nguy hiểm ở đây là những lời nói dối quá mức tinh vi ấy lặp đi lặp lại cho đến khi người nghe dần quen với nó, và quên bằng đi sự thật. Có thể tại thời điểm xuất bản cuốn sách, việc này được coi như “viễn tưởng”, nhưng hiện tại, với việc tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau thì điều đó lại trở nên chân thật hơn bao giờ hết. Nên dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng 1984 đã chiếm được một chỗ đứng vững chắc, dường như không thể thay thế mỗi khi nhắc đến dòng văn học Phản địa đàng.

Một tác phẩm khác bên cạnh 1984 cũng rất đáng nhắc tới của tiểu thuyết gia Margaret Atwood người Canada - The Handmaid's Tale. The Handmaid's Tale kể về một người phụ nữ mất tất cả mọi thứ khi tỉnh dậy sau một cơn chính biến: gia đình, bạn bè, công việc, và thậm chí là cả tên. Tất cả những gì còn lại là danh xưng tùy nữ và một nhiệm vụ duy nhất: trở thành “cỗ tử cung biết đi” của chính quyền Gilead. Một nhà nước thần quyền cực đoan dựng lên trên nền nước Mỹ xưa, nơi các Martha cặm cụi làm việc nhà, các Dì rao giảng đạo đức chính thống, các phu nhân khóc ròng mỗi đêm Lễ tháng và các tùy nữ tuyệt vọng tìm cách sinh con để khỏi phải quét phóng xạ trên hoang đảo.

 

nguồn: The New York Times

 

The Handmaid's Tale là lời cảnh tỉnh để trả lời lại làn sóng chống nữ quyền và sự trỗi dậy của các thế lực tôn giáo bảo thủ tại Mỹ những năm 1980. Thế giới trong câu chuyện tràn ngập nỗi tuyệt vọng, đớn đau khủng khiếp của những người bị tước đoạt quyền tự do, quyền làm chủ cuộc sống. Nhưng bên trong đó cũng là những khát khao thay đổi, những hy vọng sắc bén và sự cố gắng từ người tùy nữ. Đó là những điều tạo nên độ tác phẩm nổi tiếng trong văn học Phản địa đàng.          

                                   

Các tác phẩm tiêu biểu đáng đọc trong 5 chủ đề về văn học Phản địa đàng

Để tìm hiểu thêm về một số chủ đề chính và các tác phẩm tiêu biểu được các tác giả dòng văn học Phản địa đàng đề cập tới, Seo đã tham khảo từ trang Master Class và tổng hợp 5 chủ đề mà trang này đã phân loại phía dưới đây:

 

  1. Sự kiểm soát của chính phủ

Chính phủ đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong văn học Phản địa đàng. “Always Coming Home” được viết bởi Ursula K. Le Guin kể về cộng đồng người Kesh - những người tự tổ chức một hệ thống riêng cho mình và từ chối hệ thống chính phủ bối cảnh hậu tận thế; hay “The Hunger Games” diễn ra trong một thế giới hư cấu được dựng lên từ đống đổ nát của nước Mỹ.

 

nguồn: Pan Macmillan

 

  1. Sự kiểm soát của Công nghệ

Dòng văn học về sự kiểm soát của Công nghệ được cho là khá dễ nhầm lẫn với Khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, trong Dystopia, công nghệ được phát triển tới nỗi làm cho con người phụ thuộc, bị chi phối bởi nó, và dần dần đem chút tự do ít ỏi của bản thân đi đổi lấy “tấm phiếu” trở thành nô lệ công nghệ.

 

nguồn: Daily Sabah

 

Không thể không nhắc tới “Brave New World” của Aldous Huxley khi nói tới chủ đề này. Thế giới trong cuốn sách được tồn tại dưới sự kiểm soát chặt chẽ bằng cách biến đổi gen để thực hiện vai trò xã hội của họ - một vai trò đã được gán cho họ một cách có mục đích ngay từ khi sinh ra. Bên cạnh đó, cuốn “Do Androids Dream of Electric Sheep?” viết bởi Philip K. Dick đã mô tả thế giới hậu tận thế sau kho chiến tranh hạt nhân xảy ra. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản năm 1968 cũng là tiền đề cho bộ phim The Blade Runner.

 

  1. Thảm họa thiên nhiên

Thảm họa thiên nhiên mang tính hủy diệt là không phải là một đề tài quá quen thuộc trong Dystopia. Thế nhưng điều làm chủ đề này đứng riêng biệt thành một phần là ở chỗ nó đặt ra những câu hỏi mà thỉnh thoảng ta vẫn trộm nghĩ trong đầu: Sau một thế giới hứng chịu cơn cuồng nộ đến từ thiên nhiên, con người sẽ đi về đâu?

 

nguồn: Bruno Seelig

 

“The Road” của Cormac McCarthy kể về cuộc hành trình băng qua những vùng đất hoang tàn, đổ nát - hậu quả của cơn đại hồng thủy đã quét sạch sự sống và nền văn minh trên trái đất. Đối mặt với những cơn đói khát, bệnh tật và phía trước là cả một đoạn đường mờ mịt, hai cha con trong The Road chỉ còn hai viên đạn để có thể tự kết liễu bản thân phòng trường hợp rơi vào tay những kẻ ăn thịt. Dù chỉ là tưởng tượng, nhưng liệu những bối cảnh đó có thực sự sẽ không bao giờ tồn tại hay không?

 

  1. Đánh mất chủ nghĩa cá nhân

Một trong những chủ đề mang tính tác động trực tiếp và dễ khiến bạn đọc quan tâm nhất, không gì ngoài đánh mất chủ nghĩa cá nhân. Một xã hội gần như là hoàn hảo được xây dựng ở trong Dystopia. Mọi hiểm họa mang tính tiềm tàng về chiến tranh, phân biệt chủng tộc đều bị đánh bay. Nhưng cái giá con người phải trả để đổi lấy những thứ ấy, là giá trị riêng của bản thân mỗi người, những “cái tôi”.

 

nguồn: Entertainment Weekly

 

“The Giver” xuất bản năm 1993 kể về một xã hội “không nỗi đau”, một nơi mà ai cũng giống nhau, cũng có một bộ quy tắc và trật tự được định sẵn. Gần như mọi thứ đều đạt tới sự đồng nhất, để đem lại cho con người trải nghiệm về việc sống hạnh phúc. Thế nhưng khi bị tước đi những khổ đau, con người còn là chính mình nữa hay không?

“From the New World” của Kishi Yusuke cũng mang hơi hướng Dystopia ảnh hưởng bới chất Nhật. Một nơi tồn tại song song của những điều kì bí và tỏ tưởng, giữa truyền thống và hiện đại. Ở “From the New World”, con người buộc phải thanh tẩy đi những năng lực của mình, biến nó thành thứ có ích cho xã hội và được cảnh báo về việc sử dụng năng lực đó cho mục đích cá nhân.

 

  1. Sinh tồn

Khi những quyền lực đem lại công bằng cho người dân bị hủy diệt, thì một xã hội - mà như Thomas Hobbes, nhà tư tưởng chính trị vĩ đại nhất nước Anh, từng mô tả bằng một cụm từ: trạng thái tự nhiên, sẽ đẩy con người vào bước đường cùng của những hiểm nguy rình rập. Trạng thái tự nhiên được mô tả ở đây có nghĩa rằng không còn luật lệ hay những quyền uy để bảo hộ cho tính mạng và quyền lợi của người dân. Theo Hobbes, một cuộc sống thiếu vắng những khuôn khổ xã hội sẽ “cô độc, nghèo khổ, hung bạo và ngắn ngủi”. Những cuộc chiến sinh tồn trong Dystopia ở lĩnh vực văn học cũng tương tự như vậy.

 

nguồn: Anarchist Communist Group

 

“Lord of The Flies” kể về nhóm học sinh người Anh bị bỏ rơi trên hoang đảo sau khi máy bay của họ bị bắn rơi trong một cuộc chiến hạt nhân. Với những nỗ lực thống trị đầy tai hại và sự căng thẳng tồn tại giữa tập thể và cá nhân, thứ được coi như một “nền văn minh” mà các cậu bé xây dựng dần trở nên lệch lạc và méo mó, thậm chí có phần điên rồ do những hoang tưởng và ảo giác gây ra.

Ngoài “Lord of the Flies”, chủ đề sinh tồn còn có sự góp mặt của “The Running Man”, “The City of Ember” và một số tác phẩm khác cùng đề tài.

 

Trên đây là một số kiến thức mà Seo đã tìm hiểu và thu thập được. Nếu các bạn có những câu hỏi thắc mắc hay kiến thức hay về Dystopia, hãy comment bên dưới để Seo và mọi người cùng biết nhé!

 

** Bài viết thuộc bản quyền của The Bookshelf Hanoi, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức. **